Nikkei đưa tin, những ngôi nhà bị bỏ hoang lâu ngày ở Nhật Bản đang làm giảm giá trị của các tài sản xung quanh, với mức thiệt hại lên tới 3,9 nghìn tỷ yên (24,7 tỷ USD) trong 5 năm tính đến năm 2023.
Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khiến cho giá bất động sản giảm và nhiều ngôi nhà tiếp tục không thể bán được.
Dữ liệu trên do Hiệp hội Akiya Nhật Bản công bố. Đơn vị này là tập hợp 14 công ty và một tổ chức nghiên cứu chuyên giải quyết vấn đề nhà bỏ hoang, hay akiya trong tiếng Nhật.
Số liệu trên dựa vào số liệu thống kê của chính phủ năm 2023 và nghiên cứu của Trung tâm Đổi mới Bất động sản tại Đại học Tokyo.
Số căn nhà bỏ hoang không để bán hoặc không cho thuê nhưng để trống trong thời gian dài ở Nhật Bản tăng khoảng 360.000 căn từ năm 2018 đến năm 2023 lên mức 3,85 triệu căn. Hơn 70% trong số này là nhà riêng, dành cho một gia đình sinh sống.
Nghiên cứu cho thấy, trong nhiều trường hợp, giá đất trong bán kính 50m của những ngôi nhà bỏ hoang có xu hướng giảm. Các nguyên nhân dẫn tới việc ít người muốn chuyển đến những khu vực này sống là do lo ngại về thảm thực vật phát triển quá mức, sâu bệnh và an toàn công cộng.
Ước tính 80% các căn nhà dành cho một hộ gia đình bị bỏ hoang trong 5 năm tính đến năm 2023 đã làm giảm giá trị của các tài sản xung quanh khoảng 3,9 nghìn tỷ yên.
Teppei Kawaguchi, Giám đốc điều hành của Crassone, một công ty dịch vụ xây dựng và phá dỡ đứng đầu tập đoàn, ước tính của họ mới đang chỉ tính đến những ngôi nhà dành cho một hộ gia đình sống bị bỏ hoang. Tác động thực tế có thể còn lớn hơn.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia, mặc dù dân số Nhật Bản đang giảm nhưng số hộ gia đình vẫn tiếp tục tăng do ngày càng có nhiều người sống một mình. Số hộ gia đình dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Tổng nhu cầu về nhà ở sau đó dự kiến sẽ bắt đầu giảm nghiêm trọng, điều này có thể đẩy nhanh sự gia tăng số lượng nhà bỏ hoang.